Thursday, October 31, 2013

GIÔ-SÉP là "NGƯỜI CÓ NGHĨA"

“Giô-sép chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm”
Iwsh.f de. o` avnh.r auvth/j( di,kaioj w'n kai. mh. qe,lwn auvth.n deigmati,sai( evboulh,qh la,qra| avpolu/sai auvth,n (Ma-thi-ơ 1:19)

Ý nghĩa sự ra đời của Chúa Jesus không thể tách rời khỏi bản chất con người và hành động của trinh nữ Ma-ri và Giô-sép. Đức Chúa Trời không chỉ sử dụng Ma-ri như một tác nhân để tham dự trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời nhưng ngay cả người chồng hứa của nàng là Giô-sép. Giô-sép đóng vai trò quan trọng không kém trong việc dưỡng dục “Con Đức Chúa Trời” trong bối cảnh gia đình của những năm đầu đời trên đất của Ngài. Kinh Thánh mô tả đặc điểm đầu tiên của con người Giô-sép như sau: “Giô-sép là chồng của người [Ma-ri], là người có nghĩa” (VIwsh.f de. o` avnh.r auvth/j( di,kaioj w'n). Bản chất “có nghĩa” của Giô-sép ảnh hưởng hay chi phối hành động của ông: “chẳng muốn cho người [Ma-ri] mang xấu, bèn toan đem để nhẹm” (evboulh,qh la,qra| avpolu/sai auvth,n).
Việc Giô-sép muốn “để nhẹm” vợ hứa của mình là Ma-ri khi biết nàng mang thai Chúa Jesus xảy ra trong thời gian hai người đã hứa hôn với nhau.[1] Khi khám phá Ma-ri mang thai, Giô-sép đã bị rơi vào một tình thế vô cùng khó xử. Ly dị Ma-ri vì tội tà dâm không phải là sự chọn lựa cho Giô-sép nhưng là điều bắt buộc theo luật pháp để chàng bãi bỏ việc tiến tới hôn nhân với Ma-ri. Trước mắt chỉ có hai sự chọn lựa: (1) Giô-sép phải thông báo công khai về tình trạng tà dâm của Ma-ri vì nàng có thai không bởi chàng. Điều này dẫn đến việc Ma-ri sẽ bị ném đá theo như sự đòi hỏi của luật pháp. Trong luật của La-mã (Roman law) lẫn truyền thống của Do-thái (Jewish tradition) minh định rất rõ ràng rằng sự công chính (làm theo luật pháp) đòi hỏi công bố công khai về trình trạng không chung thuỷ trong đời sống hôn nhân hầu cho bên vô tội không bị buộc tội đồng thuận hay che đậy tội lỗi trong dân sự; hoặc (2) Giô-sép phải ly dị Ma-ri cách âm thầm. Hành động như thế cho phép Giô-sép vẫn duy trì được sự công chính nhưng cứu Ma-ri khỏi tình trạng nhuốc nhơ xấu hổ và bị ném đá. Vì luật của La-mã thời bấy giờ không cho phép việc ném đá, Giô-sép có thể chọn ly dị Ma-ri cách âm thầm khi tìm được hai hay ba nhân chứng. Giô-sép toan tính chọn cách giải quyết này khi nghe tin Ma-ri mang thai Chúa Jesus.
Trong đoạn 1 câu 19, Ma-thi-ơ sử dụng động từ “toan” như động từ chính (evboulh,qh) cùng với hai phân động từ (participles): “[ông] là” (w'n) và “muốn” (qe,lwn) để mô tả bản chất và hành động của Giô-sép. Trong ngữ pháp Hi-văn, phân động từ (participle) được dùng tương đối đa dạng nhằm miêu tả bản chất và ý hướng của hành động con người. Hầu hết các bản dịch Kinh Thánh trong tiếng Anh và tiếng Việt đều mô tả hai phân động từ trên mang tính nhân quả (causal) để giải thích lý do tại sao Giô-sép không muốn cho Ma-ri bị “mang xấu” nên muốn “đem để nhẹm.” Động từ “mang xấu” (deigmati,zw) được dịch sát nghĩa là “làm cho xấu hổ” (put someone to shame).[2] Tĩnh từ “có nghĩa” (di,kaioj) trong tiếng Việt còn được dịch là “công chính” hay “công nghĩa” (righteous). Từ này được dùng áp dụng cho các công dân đương thời của thế giới Hi-La (Greco-Roman world). “Người có nghĩa” là người ngay thẳng (upright), tuân thủ luật pháp (law-biding), thành thật (honest), tốt lành (good), công chính (just). Động từ “toan” (bou,lomai) diễn tả sự khao khát, mong muốn với mục đích làm cho Chúa vui lòng.[3] Cụm từ “để nhẹm” là sự kết hợp gồm trạng từ “bí mật” (la,qra|) và động từ “để” hay “giải thoát/cho ra đi tự do” (avpolu,w).[4] Cho nên,  việc “toan để nhẹm” (evboulh,qh la,qra| avpolu/sai) có nghĩa là Giô-sép chỉ muốn để bỏ và từ hôn với Ma-ri cách kín giấu. Chàng muốn chấp dứt mối quan hệ và không muốn tiến đến hôn nhân với Ma-ri cách âm thầm hầu không làm mất danh giá của Ma-ri. Như thế, nếu dịch hai phân động từ trên (w'nqe,lwn) mang tính nhân quả, chúng ta có thể hiểu câu này như sau: Giô-sép là “người có nghĩa” (muốn tuân giữ luật pháp) không muốn làm cho Ma-ri, vợ hứa của mình bị sỉ nhục tỏ tường và bị ném đá vì phạm tội tà dâm. Cho nên, Giô-sép muốn ly dị Ma-ri cách âm thầm để thoả mãn phần nào sự đòi hỏi luật pháp Do-thái về sự ly dị.
Tuy nhiên, nếu như thế, hành động của Giô-sép chứa đựng sự nghịch lý trong chính nó. Chúng ta sẽ phải giải thích thế nào việc Giô-sép toan tính cho Ma-ri ra đi cách âm thầm mà vẫn thỏa mãn được sự đòi hỏi công chính của luật pháp? Điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào hai phân động từ trên (w'nqe,lwn) phải được dịch mang tính khoan nhượng (concessive) thay vì tính nhân quả (causal) như sau: Mặc dầu là người có nghĩa và không muốn cho nàng [Ma-ri] bị mang xấu, Giô-sép vẫn toan để nhẹm… Như vậy, có sự tranh chiến rất lớn giữa sự đòi hỏi công chính của luật pháp và tình yêu hay lòng thương xót của Giô-sép đối với Ma-ri nên chàng đã hành động như vậy. Giô-sép bằng lòng để cho tình yêu và lòng thương xót thắng hơn sự đòi hỏi công chính của luật pháp Môi-se. Hay nói cách khác, trong ngôn ngữ của Chúa Jesus, Giô-sép đã tìm cách “làm trọn luật pháp” của Môi-se bằng tình yêu và lòng thương xót. Sự chiến thắng của tình yêu hay sự đòi hỏi của luật pháp đã được làm trọn trong con người của Giô-sép, nẩy sanh ra hành động. Đó chính là trái tim của sứ mạng của Chúa Jesus khi đến trong trần gian mà trước giả Ma-thi-ơ muốn truyền đạt cho độc giả của mình (Ma-thi-ơ 5:17-18). Chỉ có tình yêu và lòng thương xót mới làm thoả mãn sự đòi hỏi của luật pháp (Ma-thi-ơ 5:43-47). Khi đó chúng ta mới có thể phản ánh bản chất trọn vẹn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:48).
Khi được thiên sứ truyền “ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ” (Ma-thi-ơ 1:20), Giô-sép sẵn sàng vâng phục ý muốn của Chúa. Đó là một bước ngoạn mục trong đời sống của một “người có nghĩa.” Vì Giô-sép muốn sống cho Đức Chúa Trời nên Ngài đã ban cho chàng cơ hội để bước đi xa hơn trên con đường của đức công chính của Ngài. Đức Chúa Trời đã nhấc bổng con người của Giô-sép lên để chàng có thể sống vượt lên trên sự đoán xét ra từ sự hiểu biết thiển cận về luật pháp của Đức Chúa Trời trong nhãn quan của con người, bay vào thế giới khoảng khoát của tình yêu và ân sủng của Ngài. Trong vùng trời rộng mở ấy, Giô-sép được hít thở không khí của tình yêu và ân sủng của Đức Chúa Trời hầu biến ông trở thành công cụ ích lợi trong tay của Ngài, đóng vai trò quan trọng trong sự dưỡng dục “Con Đức Chúa Trời.” Trước khi thế gian tội lỗi, trong đó bao gồm cả người Do-thái lẫn ngoại bang nếm biết ơn phước từ trời do chính Chúa Cứu Thế Jesus mang đến, Giô-sép là người được vinh dự nếm trải phước hạnh ngọt ngào đó, khiến ông trở nên tê cứng với tất cả lời chỉ trích cay nghiệt của con người khi họ áp dụng luật pháp của Chúa một chiều, nhưng làm cho ông đã trở nên nhạy cảm và đồng cảm với những cuộc đời bị nghi ngờ, hiểu lầm, và thậm chí bị chà đạp bởi lối sống công chính hẹp hòi, chẳng có chút lòng thương xót hay ân sủng của Đức Chúa Trời như người Pha-ri-si và thầy Thông giáo.
Chủ đề về sự công nghĩa trong quan điểm người Do-thái nằm xuyên suốt trong sách Phúc âm Ma-thi-ơ. Ma-thi-ơ đã dẫn độc giả đi ngay vào gia phả của Chúa Jesus ra từ dòng dõi Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin của dân Do-thái, người được Đức Chúa Trời kể là công nghĩa khi ông chỉ tin Ngài. Chúa Jesus đến để làm trọn sự đòi hỏi của luật pháp (sự công nghĩa). Trong gia phả của Chúa Jesus, chúng ta thấy không chỉ bao gồm người Do-thái nhưng cả người ngoại bang, không chỉ người thiện hảo theo tiêu chuẩn của con người nhưng cả những con người tội lỗi và xấu xa như: Tha-ma, kỵ nữ Ra-háp v.v… Để rồi từ đó, Ma-thi-ơ giới thiệu con người của Giô-sép cho độc giả của ông. Mới nhìn thoáng qua, dường như Ma-thi-ơ muốn giới thiệu Giô-sép như là một “người có nghĩa,” tức là người sống theo luật pháp của Cựu Ước. Nhưng khi Giô-sép bằng lòng chấp nhận Ma-ri và đón nhận sự ra đời của Chúa Jesus, Ma-thi-ơ cho thấy Giô-sép đã làm trọn sự đòi hỏi luật pháp của Cựu Ước ở mức độ sâu xa và mới mẻ hơn. Ngay chính Giô-sép là “người có nghĩa” đó cũng bằng lòng từ bỏ lối sống chỉ theo sự đòi hỏi đơn thuần của luật pháp để thay thế bằng sự hòa hợp giữa đòi hỏi của luật pháp (sự công chính) và tình yêu/lòng thương xót hầu làm trọn luật pháp qua cách đối xử với Ma-ri.

Sự công chính (righteousness) + Tình yêu (love/mercy) = Sự làm trọn Luật pháp

Sự đến của Chúa Jesus dẫn con người vào trong một con đường mới và ban cho con người một cái nhìn đầy đủ hơn về Đức Chúa Trời. Qua Bài giảng trên núi, Chúa Jesus kết hợp giữa luật pháp và ân sủng (Ma-thi-ơ 5:17-6:14). Sự đòi hỏi của Tân Ước trổi hơn sự đòi hỏi của Cựu Ước (Ma-thi-ơ 5:20). Sự ra đời của Chúa Jesus đã thay đổi sự hiểu biết của con người về ân sủng của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Nó cung ứng cho con người tội lỗi nguyên tắc sống mới để làm thoả mãn sự đòi hỏi luật pháp của Đức Chúa Trời. Con người chỉ có thể sống theo nguyên tắc đó khi nào có sự hiện diện của Đấng Christ trong đời sống. Chính Ngài được sứ đồ Giăng giới thiệu rất rõ ràng: “… ơn [grace] và lẽ thật [truth] bởi Đức Chúa Jesus Christ mà đến” (h` ca,rij kai. h` avlh,qeia dia. VIhsou/ Cristou/ evge,neto) (Giăng 1:14b).
Trong Cựu Ước, sự cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân Do-thái là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Sang Tân Ước, Phúc âm Ma-thi-ơ đã mở đầu bằng thái độ đầy ân sủng của Đức Chúa Trời để ôm chặt lấy dân Do-thái lẫn người ngoại bang (Ma-thi-ơ 1:1-6). Và chính Phúc âm đó cũng đã kết thúc bằng Đại Mạng Lịnh của Chúa Jesus: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân,[5] hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 8:19). Ma-thi-ơ cho thấy trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Bởi đức công chính và lòng thương xót của Ngài, Đức Chúa Trời dang rộng vòng tay từ ái ôm chặt mọi dân tộc, đặc biệt là dân ngoại bang.[6] Đó là chính là ơn phước cho trần gian mà Lu-ca đã ký thuật lại trong lời rao báo của thiên sứ cho các gã mục đồng trên triền núi Bết-lê-hem khi Chúa Jesus ra đời: “Vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân;[7] ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10b-11).[8]

Mục sư Trần Trọng Nha
Viện Thần Học Liên Hiệp
(Alliance Theological College)
Mùa Thu 2013



[1] Phong tục cưới gả của người Do-thái trong thời kỳ này thường bao gồm hai giai đoạn trong mối quan hệ: hứa hôn (bertroal/engagement) và thành hôn (marriage). Trong việc hứa hôn gồm có hai giai đoạn: (a) giai đoạn đầu tiên là thời gian chọn người phối ngẫu. Trong văn hoá Trung Cận Đông (Near Eastern culture), hôn nhân thường bắt đầu bằng việc sắp đặt của gia đình hai bên với nhau. Thông thường cha mẹ tìm vợ cho con trai (Sáng 21:21; 38:6). Tuổi trung bình cho việc này trong khoảng từ 12 đến 13 tuổi; mặc dầu một số bản văn của các ra-bi (rabbinic texts) cho thấy người nam lập gia đình trong thời Chúa Jesus vào độ tuổi 18; (b) việc sắp đặt chính thức (official arrangements) là giai đoạn kế tiếp. Trước mặt một số nhân chứng, người nam và người nữ bước vào sự kết ước chính thức với nhau. Đây là kết ước mang tính chất pháp lý, cho phép người nam có quyền trên người nữ. Kết ước này chỉ có thể bị huỷ bỏ bằng tiến trình ly dị hợp pháp. Danh xưng “chồng” và “vợ” được xử dụng cho hai người trong thời gian này. Đây chính là giai đoạn của mối quan hệ giữa Giô-sép và Ma-ri (Ma-thi-ơ 1:16, 19, 20, 24). Có một số bằng chứng tại xứ Giu-đê cho thấy, trong giai đoạn này, đôi bạn đã hứa gả sống một mình trong gia đình bên chồng; trong xứ Ga-li-lê, việc liên hệ tình dục của đôi bạn đã hứa hôn là không thể khoan nhượng, và người nữ không rời gia đình sống với người nam. Quan hệ tình dục ngoại hôn nhân chính thức trong giai đoạn hứa hôn bị xem là phạm tội tà dâm và bị ném đá chết (Lê-vi ký 20:10; Phục truyền 22:23-24); mặc dầu trong thời Tân Ước việc ném đá lấy làm hiếm hoi. Nếu một trong hai người qua đời trong giai đoạn hứa hôn, người còn lại bị xem là goá bụa (widow hay widower). Thông thường sau kết ước hứa hôn một năm, hai người sẽ chính thức làm lễ thành hôn (wedding). Tiệc cưới được tổ chức (Ma-thi-ơ 22:1-14; Thi 45:14-15). Cha mẹ đôi bên và bạn hữu đến để chúc phúc lành cho đôi bạn (Sáng 24:60; Tô-bít 7:13). Thông thường tiệc cưới tổ chức kéo dài khoảng một tuần lễ (Sáng 29:27; Tô-bít 8:20). Sau đó, cặp vợ chồng mới thiết lập mái ấm gia đình riêng; đôi khi họ cũng sống với đại gia đình của mình (extended family).
[2] Động từ deigmati,zw (“mang xấu”) chỉ được sử dụng hai lần trong toàn bộ Tân Ước (Ma-thi-ơ 1:19 và Cô-lô-se 2:15). Trong Cô-lô-se 2:15, “Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ,” Phao-lô trình bày sự chiến thắng của thập tự giá, tức là sự chết của Chúa Jesus Christ trên cây thập tự đã huỷ phá toàn bộ ma lực và phơi bày sự thất bại của chúng ra cách trần trụi cho cả thế gian đều biết; giống như những tù binh chiến tranh diễn hành qua các đường phố cho dân chúng xem.
[3] Thông thường từ này được dùng để nói đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong Tân Ước cũng như trong bản LXX, động từ này được dùng liên quan đến mạng lịnh mang thẩm quyền sứ đồ, nhấn mạnh đến ý muốn của Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh. (Gottlob Schrenk, “bou,lomai,” Theological Dictionary of the New Testament [Grand Rapids: Eerdmans Publishing Company, 1991], I:629-33).
[4] Động từ avpolu,w được hình thành bởi hai yếu tố: avpo, “khỏi” (from) và  lu,w “buông tha” (loose).
[5] Chữ nghiêng do tác giả bài viết muốn nhấn mạnh.
[6] Ma-thi-ơ sử dụng từ e;qnoj (nation) trong số nhiều (các “quốc gia”) để chỉ về các dân tộc, đặc biệt là dân ngoại bang mà thôi (ngoài dân Do-thái). Nhờ Chúa Cứu Thế Jesus mà lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham được ứng nghiệm bao gồm cả dân ngoại bang. Như sứ đồ Phao-lô nói: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ, hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại [chữ nghiêng do tác giả bài viết. Phao-lô dùng cùng từ e;qnoj để chỉ về dân ngoại bang], lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho” (Ga-la-ti 3:14-15).
[7] Chữ nghiêng do tác giả bài viết muốn nhấn mạnh.
[8] Lu-ca sử dụng từ lao,j (people) trong số nhiều (các “dân tộc”) để chỉ về các dân tộc, trong đó bao gồm cả người Do-thái lẫn dân ngoại bang.