Thursday, October 31, 2013

GIÔ-SÉP là "NGƯỜI CÓ NGHĨA"

“Giô-sép chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm”
Iwsh.f de. o` avnh.r auvth/j( di,kaioj w'n kai. mh. qe,lwn auvth.n deigmati,sai( evboulh,qh la,qra| avpolu/sai auvth,n (Ma-thi-ơ 1:19)

Ý nghĩa sự ra đời của Chúa Jesus không thể tách rời khỏi bản chất con người và hành động của trinh nữ Ma-ri và Giô-sép. Đức Chúa Trời không chỉ sử dụng Ma-ri như một tác nhân để tham dự trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời nhưng ngay cả người chồng hứa của nàng là Giô-sép. Giô-sép đóng vai trò quan trọng không kém trong việc dưỡng dục “Con Đức Chúa Trời” trong bối cảnh gia đình của những năm đầu đời trên đất của Ngài. Kinh Thánh mô tả đặc điểm đầu tiên của con người Giô-sép như sau: “Giô-sép là chồng của người [Ma-ri], là người có nghĩa” (VIwsh.f de. o` avnh.r auvth/j( di,kaioj w'n). Bản chất “có nghĩa” của Giô-sép ảnh hưởng hay chi phối hành động của ông: “chẳng muốn cho người [Ma-ri] mang xấu, bèn toan đem để nhẹm” (evboulh,qh la,qra| avpolu/sai auvth,n).
Việc Giô-sép muốn “để nhẹm” vợ hứa của mình là Ma-ri khi biết nàng mang thai Chúa Jesus xảy ra trong thời gian hai người đã hứa hôn với nhau.[1] Khi khám phá Ma-ri mang thai, Giô-sép đã bị rơi vào một tình thế vô cùng khó xử. Ly dị Ma-ri vì tội tà dâm không phải là sự chọn lựa cho Giô-sép nhưng là điều bắt buộc theo luật pháp để chàng bãi bỏ việc tiến tới hôn nhân với Ma-ri. Trước mắt chỉ có hai sự chọn lựa: (1) Giô-sép phải thông báo công khai về tình trạng tà dâm của Ma-ri vì nàng có thai không bởi chàng. Điều này dẫn đến việc Ma-ri sẽ bị ném đá theo như sự đòi hỏi của luật pháp. Trong luật của La-mã (Roman law) lẫn truyền thống của Do-thái (Jewish tradition) minh định rất rõ ràng rằng sự công chính (làm theo luật pháp) đòi hỏi công bố công khai về trình trạng không chung thuỷ trong đời sống hôn nhân hầu cho bên vô tội không bị buộc tội đồng thuận hay che đậy tội lỗi trong dân sự; hoặc (2) Giô-sép phải ly dị Ma-ri cách âm thầm. Hành động như thế cho phép Giô-sép vẫn duy trì được sự công chính nhưng cứu Ma-ri khỏi tình trạng nhuốc nhơ xấu hổ và bị ném đá. Vì luật của La-mã thời bấy giờ không cho phép việc ném đá, Giô-sép có thể chọn ly dị Ma-ri cách âm thầm khi tìm được hai hay ba nhân chứng. Giô-sép toan tính chọn cách giải quyết này khi nghe tin Ma-ri mang thai Chúa Jesus.
Trong đoạn 1 câu 19, Ma-thi-ơ sử dụng động từ “toan” như động từ chính (evboulh,qh) cùng với hai phân động từ (participles): “[ông] là” (w'n) và “muốn” (qe,lwn) để mô tả bản chất và hành động của Giô-sép. Trong ngữ pháp Hi-văn, phân động từ (participle) được dùng tương đối đa dạng nhằm miêu tả bản chất và ý hướng của hành động con người. Hầu hết các bản dịch Kinh Thánh trong tiếng Anh và tiếng Việt đều mô tả hai phân động từ trên mang tính nhân quả (causal) để giải thích lý do tại sao Giô-sép không muốn cho Ma-ri bị “mang xấu” nên muốn “đem để nhẹm.” Động từ “mang xấu” (deigmati,zw) được dịch sát nghĩa là “làm cho xấu hổ” (put someone to shame).[2] Tĩnh từ “có nghĩa” (di,kaioj) trong tiếng Việt còn được dịch là “công chính” hay “công nghĩa” (righteous). Từ này được dùng áp dụng cho các công dân đương thời của thế giới Hi-La (Greco-Roman world). “Người có nghĩa” là người ngay thẳng (upright), tuân thủ luật pháp (law-biding), thành thật (honest), tốt lành (good), công chính (just). Động từ “toan” (bou,lomai) diễn tả sự khao khát, mong muốn với mục đích làm cho Chúa vui lòng.[3] Cụm từ “để nhẹm” là sự kết hợp gồm trạng từ “bí mật” (la,qra|) và động từ “để” hay “giải thoát/cho ra đi tự do” (avpolu,w).[4] Cho nên,  việc “toan để nhẹm” (evboulh,qh la,qra| avpolu/sai) có nghĩa là Giô-sép chỉ muốn để bỏ và từ hôn với Ma-ri cách kín giấu. Chàng muốn chấp dứt mối quan hệ và không muốn tiến đến hôn nhân với Ma-ri cách âm thầm hầu không làm mất danh giá của Ma-ri. Như thế, nếu dịch hai phân động từ trên (w'nqe,lwn) mang tính nhân quả, chúng ta có thể hiểu câu này như sau: Giô-sép là “người có nghĩa” (muốn tuân giữ luật pháp) không muốn làm cho Ma-ri, vợ hứa của mình bị sỉ nhục tỏ tường và bị ném đá vì phạm tội tà dâm. Cho nên, Giô-sép muốn ly dị Ma-ri cách âm thầm để thoả mãn phần nào sự đòi hỏi luật pháp Do-thái về sự ly dị.
Tuy nhiên, nếu như thế, hành động của Giô-sép chứa đựng sự nghịch lý trong chính nó. Chúng ta sẽ phải giải thích thế nào việc Giô-sép toan tính cho Ma-ri ra đi cách âm thầm mà vẫn thỏa mãn được sự đòi hỏi công chính của luật pháp? Điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào hai phân động từ trên (w'nqe,lwn) phải được dịch mang tính khoan nhượng (concessive) thay vì tính nhân quả (causal) như sau: Mặc dầu là người có nghĩa và không muốn cho nàng [Ma-ri] bị mang xấu, Giô-sép vẫn toan để nhẹm… Như vậy, có sự tranh chiến rất lớn giữa sự đòi hỏi công chính của luật pháp và tình yêu hay lòng thương xót của Giô-sép đối với Ma-ri nên chàng đã hành động như vậy. Giô-sép bằng lòng để cho tình yêu và lòng thương xót thắng hơn sự đòi hỏi công chính của luật pháp Môi-se. Hay nói cách khác, trong ngôn ngữ của Chúa Jesus, Giô-sép đã tìm cách “làm trọn luật pháp” của Môi-se bằng tình yêu và lòng thương xót. Sự chiến thắng của tình yêu hay sự đòi hỏi của luật pháp đã được làm trọn trong con người của Giô-sép, nẩy sanh ra hành động. Đó chính là trái tim của sứ mạng của Chúa Jesus khi đến trong trần gian mà trước giả Ma-thi-ơ muốn truyền đạt cho độc giả của mình (Ma-thi-ơ 5:17-18). Chỉ có tình yêu và lòng thương xót mới làm thoả mãn sự đòi hỏi của luật pháp (Ma-thi-ơ 5:43-47). Khi đó chúng ta mới có thể phản ánh bản chất trọn vẹn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:48).
Khi được thiên sứ truyền “ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ” (Ma-thi-ơ 1:20), Giô-sép sẵn sàng vâng phục ý muốn của Chúa. Đó là một bước ngoạn mục trong đời sống của một “người có nghĩa.” Vì Giô-sép muốn sống cho Đức Chúa Trời nên Ngài đã ban cho chàng cơ hội để bước đi xa hơn trên con đường của đức công chính của Ngài. Đức Chúa Trời đã nhấc bổng con người của Giô-sép lên để chàng có thể sống vượt lên trên sự đoán xét ra từ sự hiểu biết thiển cận về luật pháp của Đức Chúa Trời trong nhãn quan của con người, bay vào thế giới khoảng khoát của tình yêu và ân sủng của Ngài. Trong vùng trời rộng mở ấy, Giô-sép được hít thở không khí của tình yêu và ân sủng của Đức Chúa Trời hầu biến ông trở thành công cụ ích lợi trong tay của Ngài, đóng vai trò quan trọng trong sự dưỡng dục “Con Đức Chúa Trời.” Trước khi thế gian tội lỗi, trong đó bao gồm cả người Do-thái lẫn ngoại bang nếm biết ơn phước từ trời do chính Chúa Cứu Thế Jesus mang đến, Giô-sép là người được vinh dự nếm trải phước hạnh ngọt ngào đó, khiến ông trở nên tê cứng với tất cả lời chỉ trích cay nghiệt của con người khi họ áp dụng luật pháp của Chúa một chiều, nhưng làm cho ông đã trở nên nhạy cảm và đồng cảm với những cuộc đời bị nghi ngờ, hiểu lầm, và thậm chí bị chà đạp bởi lối sống công chính hẹp hòi, chẳng có chút lòng thương xót hay ân sủng của Đức Chúa Trời như người Pha-ri-si và thầy Thông giáo.
Chủ đề về sự công nghĩa trong quan điểm người Do-thái nằm xuyên suốt trong sách Phúc âm Ma-thi-ơ. Ma-thi-ơ đã dẫn độc giả đi ngay vào gia phả của Chúa Jesus ra từ dòng dõi Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin của dân Do-thái, người được Đức Chúa Trời kể là công nghĩa khi ông chỉ tin Ngài. Chúa Jesus đến để làm trọn sự đòi hỏi của luật pháp (sự công nghĩa). Trong gia phả của Chúa Jesus, chúng ta thấy không chỉ bao gồm người Do-thái nhưng cả người ngoại bang, không chỉ người thiện hảo theo tiêu chuẩn của con người nhưng cả những con người tội lỗi và xấu xa như: Tha-ma, kỵ nữ Ra-háp v.v… Để rồi từ đó, Ma-thi-ơ giới thiệu con người của Giô-sép cho độc giả của ông. Mới nhìn thoáng qua, dường như Ma-thi-ơ muốn giới thiệu Giô-sép như là một “người có nghĩa,” tức là người sống theo luật pháp của Cựu Ước. Nhưng khi Giô-sép bằng lòng chấp nhận Ma-ri và đón nhận sự ra đời của Chúa Jesus, Ma-thi-ơ cho thấy Giô-sép đã làm trọn sự đòi hỏi luật pháp của Cựu Ước ở mức độ sâu xa và mới mẻ hơn. Ngay chính Giô-sép là “người có nghĩa” đó cũng bằng lòng từ bỏ lối sống chỉ theo sự đòi hỏi đơn thuần của luật pháp để thay thế bằng sự hòa hợp giữa đòi hỏi của luật pháp (sự công chính) và tình yêu/lòng thương xót hầu làm trọn luật pháp qua cách đối xử với Ma-ri.

Sự công chính (righteousness) + Tình yêu (love/mercy) = Sự làm trọn Luật pháp

Sự đến của Chúa Jesus dẫn con người vào trong một con đường mới và ban cho con người một cái nhìn đầy đủ hơn về Đức Chúa Trời. Qua Bài giảng trên núi, Chúa Jesus kết hợp giữa luật pháp và ân sủng (Ma-thi-ơ 5:17-6:14). Sự đòi hỏi của Tân Ước trổi hơn sự đòi hỏi của Cựu Ước (Ma-thi-ơ 5:20). Sự ra đời của Chúa Jesus đã thay đổi sự hiểu biết của con người về ân sủng của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Nó cung ứng cho con người tội lỗi nguyên tắc sống mới để làm thoả mãn sự đòi hỏi luật pháp của Đức Chúa Trời. Con người chỉ có thể sống theo nguyên tắc đó khi nào có sự hiện diện của Đấng Christ trong đời sống. Chính Ngài được sứ đồ Giăng giới thiệu rất rõ ràng: “… ơn [grace] và lẽ thật [truth] bởi Đức Chúa Jesus Christ mà đến” (h` ca,rij kai. h` avlh,qeia dia. VIhsou/ Cristou/ evge,neto) (Giăng 1:14b).
Trong Cựu Ước, sự cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân Do-thái là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Sang Tân Ước, Phúc âm Ma-thi-ơ đã mở đầu bằng thái độ đầy ân sủng của Đức Chúa Trời để ôm chặt lấy dân Do-thái lẫn người ngoại bang (Ma-thi-ơ 1:1-6). Và chính Phúc âm đó cũng đã kết thúc bằng Đại Mạng Lịnh của Chúa Jesus: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân,[5] hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 8:19). Ma-thi-ơ cho thấy trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Bởi đức công chính và lòng thương xót của Ngài, Đức Chúa Trời dang rộng vòng tay từ ái ôm chặt mọi dân tộc, đặc biệt là dân ngoại bang.[6] Đó là chính là ơn phước cho trần gian mà Lu-ca đã ký thuật lại trong lời rao báo của thiên sứ cho các gã mục đồng trên triền núi Bết-lê-hem khi Chúa Jesus ra đời: “Vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân;[7] ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10b-11).[8]

Mục sư Trần Trọng Nha
Viện Thần Học Liên Hiệp
(Alliance Theological College)
Mùa Thu 2013



[1] Phong tục cưới gả của người Do-thái trong thời kỳ này thường bao gồm hai giai đoạn trong mối quan hệ: hứa hôn (bertroal/engagement) và thành hôn (marriage). Trong việc hứa hôn gồm có hai giai đoạn: (a) giai đoạn đầu tiên là thời gian chọn người phối ngẫu. Trong văn hoá Trung Cận Đông (Near Eastern culture), hôn nhân thường bắt đầu bằng việc sắp đặt của gia đình hai bên với nhau. Thông thường cha mẹ tìm vợ cho con trai (Sáng 21:21; 38:6). Tuổi trung bình cho việc này trong khoảng từ 12 đến 13 tuổi; mặc dầu một số bản văn của các ra-bi (rabbinic texts) cho thấy người nam lập gia đình trong thời Chúa Jesus vào độ tuổi 18; (b) việc sắp đặt chính thức (official arrangements) là giai đoạn kế tiếp. Trước mặt một số nhân chứng, người nam và người nữ bước vào sự kết ước chính thức với nhau. Đây là kết ước mang tính chất pháp lý, cho phép người nam có quyền trên người nữ. Kết ước này chỉ có thể bị huỷ bỏ bằng tiến trình ly dị hợp pháp. Danh xưng “chồng” và “vợ” được xử dụng cho hai người trong thời gian này. Đây chính là giai đoạn của mối quan hệ giữa Giô-sép và Ma-ri (Ma-thi-ơ 1:16, 19, 20, 24). Có một số bằng chứng tại xứ Giu-đê cho thấy, trong giai đoạn này, đôi bạn đã hứa gả sống một mình trong gia đình bên chồng; trong xứ Ga-li-lê, việc liên hệ tình dục của đôi bạn đã hứa hôn là không thể khoan nhượng, và người nữ không rời gia đình sống với người nam. Quan hệ tình dục ngoại hôn nhân chính thức trong giai đoạn hứa hôn bị xem là phạm tội tà dâm và bị ném đá chết (Lê-vi ký 20:10; Phục truyền 22:23-24); mặc dầu trong thời Tân Ước việc ném đá lấy làm hiếm hoi. Nếu một trong hai người qua đời trong giai đoạn hứa hôn, người còn lại bị xem là goá bụa (widow hay widower). Thông thường sau kết ước hứa hôn một năm, hai người sẽ chính thức làm lễ thành hôn (wedding). Tiệc cưới được tổ chức (Ma-thi-ơ 22:1-14; Thi 45:14-15). Cha mẹ đôi bên và bạn hữu đến để chúc phúc lành cho đôi bạn (Sáng 24:60; Tô-bít 7:13). Thông thường tiệc cưới tổ chức kéo dài khoảng một tuần lễ (Sáng 29:27; Tô-bít 8:20). Sau đó, cặp vợ chồng mới thiết lập mái ấm gia đình riêng; đôi khi họ cũng sống với đại gia đình của mình (extended family).
[2] Động từ deigmati,zw (“mang xấu”) chỉ được sử dụng hai lần trong toàn bộ Tân Ước (Ma-thi-ơ 1:19 và Cô-lô-se 2:15). Trong Cô-lô-se 2:15, “Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ,” Phao-lô trình bày sự chiến thắng của thập tự giá, tức là sự chết của Chúa Jesus Christ trên cây thập tự đã huỷ phá toàn bộ ma lực và phơi bày sự thất bại của chúng ra cách trần trụi cho cả thế gian đều biết; giống như những tù binh chiến tranh diễn hành qua các đường phố cho dân chúng xem.
[3] Thông thường từ này được dùng để nói đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong Tân Ước cũng như trong bản LXX, động từ này được dùng liên quan đến mạng lịnh mang thẩm quyền sứ đồ, nhấn mạnh đến ý muốn của Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh. (Gottlob Schrenk, “bou,lomai,” Theological Dictionary of the New Testament [Grand Rapids: Eerdmans Publishing Company, 1991], I:629-33).
[4] Động từ avpolu,w được hình thành bởi hai yếu tố: avpo, “khỏi” (from) và  lu,w “buông tha” (loose).
[5] Chữ nghiêng do tác giả bài viết muốn nhấn mạnh.
[6] Ma-thi-ơ sử dụng từ e;qnoj (nation) trong số nhiều (các “quốc gia”) để chỉ về các dân tộc, đặc biệt là dân ngoại bang mà thôi (ngoài dân Do-thái). Nhờ Chúa Cứu Thế Jesus mà lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham được ứng nghiệm bao gồm cả dân ngoại bang. Như sứ đồ Phao-lô nói: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ, hầu cho phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại [chữ nghiêng do tác giả bài viết. Phao-lô dùng cùng từ e;qnoj để chỉ về dân ngoại bang], lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho” (Ga-la-ti 3:14-15).
[7] Chữ nghiêng do tác giả bài viết muốn nhấn mạnh.
[8] Lu-ca sử dụng từ lao,j (people) trong số nhiều (các “dân tộc”) để chỉ về các dân tộc, trong đó bao gồm cả người Do-thái lẫn dân ngoại bang.

Friday, November 2, 2012

SHEKINAH TÁI HIỂN HIỆN (SHEKINAH HAS RETURNED)


"Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14)

S
ứ đồ Giăng là một trong ba sứ đồ thân cận nhất với Chúa Jesus, từng dựa vào ngực của Ngài, và tự xưng mình là “người mà Ngài yêu” (Giăng 13:23). Có lẽ vì thế ông đã thấu hiểu được chiều sâu của lẽ thật về sự nhập thể của Đức Chúa Trời Ngôi Hai. Trong bốn sách Phúc Âm: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng, chỉ một mình Phúc Âm Giăng trình bày lẽ thật này rõ ràng và sống động hơn hết. Tư tưởng về sự cư trú của Ngôi Lời ở giữa con người xuất phát từ tư tưởng Shekinah, nói đến sự cư trú của Đức Chúa Trời ở giữa dân sự của Ngài trong Cựu Ước.[1] Để có thể hiểu được tư tưởng thần học về sự nhập thể nằm ẩn tàng bên trong Phúc Âm Giăng nói chung và trong Giăng 1:14 nói riêng, chúng ta cần quay trở lại với bối cảnh của tư tưởng Shekinah trong Cựu Ước.
Trong Giăng 1:14 sứ đồ Giăng dùng động từ “ở giữa” (evskh,nwsen) để trình bày về Shekinah của Cựu Ước tái hiển hiện trong Tân Ước.[2] Giăng nối kết tư tưởng về sự cư trú trong xác thịt của Đấng Christ với tư tưởng Shekinah rất quen thuộc đối với người Do-thái, nói đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa dân sự của Ngài. Thật ra, từ Shekinah không xuất hiện trong kinh Cựu Ước. Lần đầu tiên người ta tìm thấy từ này trong các bản văn được các tác giả Targum sử dụng, trong cộng đồng Do-thái tại Ba-by-lôn vào thế kỷ thứ nhất S.C.[3] Từ này được dùng như là thể biến cách rút gọn (periphrasis) khi các tác giả muốn nói về sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa dân sự của Ngài. Đó là sự hiện diện đặc biệt, được nơi chốn hoá, để nói đến sự hiện diện quyền năng của Chúa vào một thời điểm và nơi chốn cụ thể. Shekinah đối với dân sự của Chúa ngày xưa không gì khác hơn là sự hiện diện trực tiếp và thần hựu của Ngài giữa họ.
Trong thời gian dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, Shekinah không phải là sự toả sáng của trụ mây, nhưng là nguyên nhân chính yếu của sự chiếu sáng. Trụ mây và trụ lửa dẫn đường cho dân sự được xem như là “người chăn” hướng dẫn bầy chiên, mang ý nghĩa dẫn dắt lẫn bảo vệ. Shekinah luôn luôn được đồng nhất hoá với chính Đức Gia-vê (Yahweh), nhấn mạnh đến sự hiện diện đặc biệt của Chúa với dân sự của Ngài. Vì thế, sự chiếu sáng của trụ mây chỉ là sự phát sáng của Shekinah. Sự biểu lộ bên ngoài của Shekinah được gọi là sự “vinh hiển,” theo các tác giả của kinh Tân Ước, là doxa (do,xa) trong ngôn ngữ Hi-lạp.[4] Ngoài ra, sự hiện diện của “thiên sứ của Đức Chúa Trời” cũng được hiểu như là sự hiện diện của chính Đức Gia-vê; nghĩa là, đó chính là Shekinah.[5] Toàn bộ lịch sử của Shekinah là lịch sử của một Đức Chúa Trời Hằng hữu, bày tỏ sự hiện diện của Ngài cho dân sự của Ngài. Đức Chúa Trời đã chọn họ và hiện diện giữa họ. Đức Gia-vê kết ước với dân sự của Ngài và sử dụng Môi-se như là công cụ truyền thông của Ngài. Sự hiện diện của Đức Gia-vê được nơi chốn hoá khi Ngài truyền cho Môi-se dựng một lều tạm (tabernacle/tent) cho sự hiện diện của Ngài, hầu cho chính Ngài có thể cư trú giữa dân sự và đồng hành với họ. Môi-se cũng được truyền bảo đóng một hòm giao ước (the ark of covenant) đúng theo sự hướng dẫn của Chúa và đặt trong lều tạm (Xuất 25:22). Đức Chúa Trời siêu việt đã “nơi chốn hoá” chính Ngài bằng sự hiện diện giữa hai chê-ru-bim trên hòm giao ước. Hòm giao ước không trở nên thánh vì những gì chứa đựng bên trong (hai bảng luật pháp, ma-na, cây gậy của A-rôn), bèn là sự hiện diện (Shekinah) của Đức Gia-vê trên hòm. Lịch sử của sự di chuyển và đồng hành của Shekinah với dân sự lúc bấy giờ trở thành lịch sử của hòm giao ước mà dân Y-sơ-ra-ên mang theo với họ trong suốt hành trình vào đất hứa. Đức Chúa Trời bày tỏ sự hiện diện của Ngài trên hòm giao ước, không nhằm mục đích được sử dụng như “lá bùa hộ mạng.” Thay vào đó, nó phải là xu hướng của tấm lòng dân sự phải phù hợp với sự bày tỏ bên ngoài của niềm tin bên trong của nọ.
Sau những năm tháng lang thang rày đây mai đó, hòm giao ước được định cư tại Giê-ru-sa-lem. Dân Y-sơ-ra-ên học biết rằng Đức Gia-vê không bị trói buộc vào một chỗ là đền thờ do Sa-lô-môn xây dựng. Chính đền thờ đó cũng bị phá huỷ. Khi dân sự của Chúa từ khước sự hiện diện của Ngài (Shekinah), thì Ngài cũng ngoảnh mặt khỏi họ.[6] Thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây. Dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày viễn xứ. Khi dân sự của Chúa bị dẫn vào chốn lưu đày tại Ba-by-lôn, tiên tri Giê-rê-mi đã đem giấu hòm giao ước của Chúa trong một hang động trên núi, nơi mà chính Môi-se đã tận mắt thấy Ngài.[7] Sự hiện diện của Chúa đã lìa bỏ dân Y-sơ-ra-ên để rồi trở lại với họ trong một phương cách tốt đẹp hơn. Ngay trong chốn lưu đày, sự hiện diện của Ngài vẫn ở với họ cách vô hình; và ngày đêm họ trông chờ sự trở lại của sự hiện diện của Ngài. Bấy giờ, dân Y-sơ-ra-ên mong mỏi xây lại đền thờ Giê-ru-sa-lem, hầu cho một lần nữa sự hiện diện của Ngài tái cư trú giữa họ. Nhưng tiên tri Giê-rê-mi đã cho thấy một viễn ảnh tốt đẹp hơn về sự hiện diện của Chúa ở giữa dân sự của Ngài:
Đức Giê-hô-va phán: “Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa. Giao ước nầy sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ê-díp-tô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng ta làm chồng chúng nó, Đức Giê-hô-va phán vậy.” Đức Giê-hô-va phán: “Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta” (Giê-rê-mi 31:31-33)
Sự trở lại của Shekinah trong Giao Ước Mới (New Covenant) được đặc tính hoá bằng yếu tố thuộc linh bên trong, không phải theo xác thịt hay nơi chốn bên ngoài. Những ai có đức tin nơi Chúa Jesus Christ có thể gia nhập vào dân Y-sơ-ra-ên Mới (New Israel) tức Hội Thánh của Ngài. Chương cuối cùng của sách tiên tri Ê-sai cho chúng ta thấy sự đầy trọn của sự hiện diện được bày tỏ như thế nào. Sự trở lại của Shekinah là mối liên kết giữa Giao ước cũ (Cựu Ước) và Giao ước mới (Tân Ước). Đó chính là Đức Chúa Trời Ngôi Hai nhập thể thành người mà sứ đồ Giăng mô tả: Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta.” Ông dùng cách chơi chữ của từ Shekinah để trình bày cho chúng ta biết Ngôi Lời nhập thể, tức là Đấng Christ, cư trú ở giữa chúng ta.[8]
Các tác giả các sách Phúc Âm và  Thư Tín trong kinh Tân Ước được cảm thúc bởi Chúa Thánh Linh viết tác phẩm của mình vào thời điểm các học giả Targum Do-thái sử dụng rộng rãi từ ngữ Shekinah để nói đến quan niệm truyền thống về sự hiện diện đặc biệt của Đức Chúa Trời ở giữa dân sự của Ngài.[9] Vì thế, khi sứ đồ Giăng đề cập đến sự nhập thể của Đấng Christ, người ta đều hiểu rằng Shekinah đã tái hiển hiện trong lịch sử của nhân loại. Chính Đấng Christ trở nên xác thịt là sự hoàn nghiệm trọn vẹn niềm hy vọng của dân Do-thái mà đã một lần họ cảm nhận sâu xa về sự hụt hẫng khi Shekinah đã lìa bỏ họ và quăng họ vào trong chốn lưu đày. Một lần nữa, Shekinah đã trở lại và làm sống lại niềm hy vọng đã bị chôn vùi khi quân Ba-by-lôn đến vây chiếm thành Giê-ru-sa-lem, hòm giao ước bị biến mất.
Nhân vật Jesus ở Na-xa-rét chính là Đấng Christ, sự tái hiển hiện của sự hiện diện của Đức Gia-vê (Shekinah) cư trú giữa hai chê-ru-bim trên hòm giao ước: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ở giữa chúng ta, đầy ơn (hay ân sủng = charis) và lẽ thật.” Như trong Cựu Ước, Giăng đã liên kết sự vinh hiển (doxa) với Shekinah: “chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” Bất cứ khi nào Shekinah biểu lộ, nó phát lộ sự sáng rực rỡ của mình, gọi là sự vinh hiển. Sự vinh hiển của Đấng Christ được biểu lộ như là sự sáng chói của sự sự hiện diện của Ngài vì trong Ngài “đầy ơn và lẽ thật.” Trong sự nhập thể, Chúa Jesus Christ đã mang đến cho thế gian sự vinh hiển của Đức Chúa Trời bởi ân sủng cứu độ mà Cha đã ban cho loài người hư mất. Vì thế, sứ đồ Phao-lô liên kết tư tưởng của ân sủng cứu độ (charis) và sự vinh hiển (doxa) là sự sáng chói của Shekinah. Khi con người phạm tội, họ thiếu mất sự sáng chói của Shekinah, tức sự vinh hiển: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Chỉ khi nào tội lỗi được tha thứ và cất bỏ bởi công lao cứu chuộc của Chúa Jesus Christ, sự vinh hiển là sự sáng chói rực rỡ của Shekinah sẽ được khôi phục hay tái hiển hiện trong đời sống người tin Chúa Jesus.
Shekinah tái hiển hiện trong sự nhập thể của Chúa Jesus không chỉ tạm thời như trong Cựu Ước bèn là vĩnh cửu, không chỉ là sự cư trú bèn là chia sẻ sự sống trong sinh hoạt đời thường của con người. Sự nhập thể đã thay đổi toàn diện Ngôi Hai của Đức Chúa Trời, phân chia rõ rệt giữa tiền nhập thể và hậu nhập thể của Ngài bằng việc mang lấy cho mình nhân tánh đời đời (humanity). Sự nhập thể của Đấng Christ chẳng những là sự bảo đảm về sự dẫn dắt và bảo vệ của Ngài đối với cá nhân tín hữu và Hội Thánh của Ngài, nhưng còn đem vào trong thân xác con người một nguyên lý sống mới, một kinh nghiệm mới, cho nó được dự phần vào trong bản tánh thần thượng của Đức Chúa Trời bởi sự tái tạo (2 Phi-e-rơ 1:4), và làm cho nó sống lại với thân thể vinh hiển trong ngày sau cùng (Rô-ma 8:11).
Ý nghĩa của danh xưng Em-ma-nu-ên (Ma-thi-ơ 1:23) không chỉ được hiểu là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng tanhưng đúng hơn là Đức Chúa Trời cư trú trong thân xác và chia sẻ kinh nghiệm đời sống con người. Trong hiện tại, làm thế nào con người có thể thấy được sự vinh hiển của Cha? Họ chỉ tìm thấy sự biểu lộ của Shekinah doxa của Đức Chúa Trời Hằng hữu đời đời trong chính Ngôi Lời Nhập thể và trong từng cuộc đời của những ai đã tiếp nhận Ngài (Giăng 1:12). Đấng Christ bước vào trần gian để chia sẻ kinh nghiệm đau thương và rách nát là hậu quả của sự sa ngã, để rồi tái tạo và biến họ trở thành đền thờ của Chúa Thánh Linh ngự trị (1 Cô-rinh-tô 6:19). Shekinah trong sự nhập thể của Đấng Christ vượt trổi và tuyệt vời hơn nhiều so với sự hiểu biết về Shekinah nằm trong sự hiểu biết của người Do-thái; nó bao trùm hiện tại và cả cõi đời đời. Phước hạnh của sự nhập thể này nằm ngoài giới hạn tri thức con người. Chỉ khi nào bước vào sự hiện diện mặt đối mặt với Chiên Con, Đấng Thánh lâm phàm, chúng ta mới có thể hiểu biết và nếm trải phước hạnh đầy trọn của nó.

[1] Shekinah (phát âm: she-KI-nah hay SHEK-i-nah) là phiên âm của từ Hi-bá-lai (שכינה), không xuất hiện trong kinh Cựu Ước nhưng trong nhiều bản văn Do-thái, chỉ về sự hiện diện (presence) của Đức Chúa Trời. Trong toàn bộ Kinh Thánh, ý tưởng này diễn tả sự đến gần của Đức Chúa Trời hoặc trong thân vị, đồ vật (hòm giao ước), hay sự vinh hiển (glory) của Ngài. Nó thường được dùng kết hợp với sự vinh hiển để chỉ về sự ngự trị của sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời (God’s shekinah glory).
[2] Từ evskh,nwsen (eskēnōsen) ra từ động từ skhno,w (skēnoō) và danh từ skh,nwma (skēnōma), có nghĩa là “cư trú” (dwell) hay “đóng trại/giăng trại” (spread a tent). Động từ này được sứ đồ Giăng dùng trong sách Khải Huyền để chỉ về sự hiện diện của Chiên Con với mục đích bảo vệ và che chở dân sự của Ngài: “Đấng ngồi trên ngôi sẽ che chở chúng dưới trại Ngài” (Khải 7:5); và Chiên Con chính là đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người: “Nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải 21:3).
[3] Targum (Hebrew: תרגום‎) là bản dịch Kinh Thánh Hi-bá-lai sang tiếng A-ram do các Ra-bi Do-thái để dùng trong sự thờ phượng công cộng. Targumin (số nhiều của Targum) không hẳn là bản dịch tự nghĩa của Kinh Thánh nhưng diễn ý và có phần giải nghĩa kèm theo. Theo Kravitz, học giả chuyên về Midrash, khi Targum dịch những lời hứa của Chúa ban cho dân sự của Ngài trong sách Xuất Ê-díp-tô ký và Dân số ký, sử dụng động từ của tiếng A-ram ashraya, có nghĩa là “khiến cho yên nghỉ” và danh từ đã biến tố của tiếng Hi-bá-lai shekinti, có nghĩa là “Shekinah của Ta” (My Shekinah) = “sự hiện diện của Ta” (My Presence). Theo cách dịch của những học giả Do-thái sách Các Vua và Ê-xê-chi-ên sang tiếng A-ram, Shekinah là sự hiện diện của Chúa nhưng chưa phải là chính Ngài. Tuy nhiên, thật khó để phân biệt giữa Shekinah được hiểu là ẩn dụ (metaphor) hay là nhân cách hoá (personification). Được trích trong The Eighteen Benedictions of Prayer (bản văn Rabbinic Judaism được công nhận có thẩm quyền thuộc thế kỷ thứ nhất S.C.), “And may our eyes see Thy return in mercy to Zion” và lời chúc phước “Praised Art Thou, O Lord, Who restores His Presence shekanato to Zion,” cho thấy Shekinah được hiểu vừa là sự hiện diện, vừa là thân vị của Chúa (Leonard S. Kravitz, “Shekinah as God’s Spirit and Presence,” The Living Pulpit [January-March 1996], 22).
Về phương diện con người, vì bị giới hạn bởi không gian và thời gian, khi nói đến sự hiện diện của một người tại nơi nào đó, thường được hiểu là sự hiện hữu của chính người đó (thân vị). Về phương diện Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng siêu việt và toàn tại, khi nói đến sự hiện diện của Chúa, phải được hiểu vừa mang tính chất ẩn dụ và vừa nhân cách hoá: sự hiện diện của Ngài lẫn thân vị của Ngài trong ý nghĩa bao quát nhất của nó.
[4] Sứ đồ Giăng nối kết hai tư tưởng Shekinahdoxa với nhau để trình bày về sự nhập thể của Chúa Jesus: Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta (shekinah), đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển (doxa) của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14).
[5]Thiên sứ của Đức Chúa Trời đã đi trước trại quân của dân Y-sơ-ra-ên lộn lại đi sau; còn trụ mây vốn đi trước trại quân, lại ở về sau; trụ mây đứng về giữa khoảng trại người Ê-díp-tô và trại dân Y-sơ-ra-ên, làm áng mây tối tăm cho đàng nầy, soi sáng ban đêm cho đàng kia; nên trọn cả đêm hai trại chẳng hề xáp gần nhau được” (Xuất 14:19-20).
[6] Theo Targum, những hành động đạo đức khiến cho Shekinah ngự trị là: hiếu khách, nhân đức, chung thuỷ trong hôn nhân, bác ái. Ngược lại, chính tội lỗi khiến cho Shekinah lìa bỏ dân sự của Ngài (trong phần Targum giải nghĩa tiên tri Ê-sai 55:7 và Giê-rê-mi 33:5).
[7] Sau đó, tiên tri Giê-rê-mi sai một vài người Do-thái đi đánh dấu cái hang nhưng họ không tìm thấy. Tiên tri đã quở trách họ: “The place shall remain unknown until God gathers his people together again and shows his mercy. Then the Lord will disclose these things, and the glory of the Lord and the cloud will appear, as they were shown in the case of Moses, and as Solomon asked that the place should be specially consecrated” (2 Maccabees 2:7, 8). Khi đề cập đến “sự vinh hiển của Chúa và đám mây sẽ xuất hiện” (the glory of the Lord and the cloud will appear), tiên tri Giê-rê-mi muốn nói đến sự tái hiển hiện của Shekinah trong Giao Ước Mới.
[8] Trong cách viết và phát âm của từ skēnōma liên hệ nó với từ sheken, tư tưởng rất quen thuộc với mọi người Do-thái về Shekinah, chỉ về sự cư trú của Đức Chúa Trời ở giữa dân sự của Ngài.
[9] Ma-thi-ơ viết cho độc giả Do-thái trình bày tư tưởng về sự cư trú và hiện diện liên tục của Đức Chúa Trời giữa loài người mặc dầu không sử dụng từ Shekinah trong bản văn của mình. Phao-lô cũng dùng quan niệm liên hệ, doxa hay vinh hiển, chỉ về sự biểu lộ hay bày tỏ của Shekinah. Trong sách Phúc Âm Giăng, bốn lần tác giả sử dụng động từ eskēnōsen hay danh từ skene.

Monday, September 3, 2012

LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (THE WORD OF GOD)


12Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. 13Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê-bơ-rơ 4:12-13)

Dẫn nhập:
Sử dụng lối diễn đạt theo thể văn thơ rất hàm súc, tác giả thư Hê-bơ-rơ mô tả sự hành động của Lời Đức Chúa Trời liên quan đến tấm lòng con người trong câu 12 và 13 của chương 4. Hai câu kinh văn này rất quen thuộc trong Hội Thánh và thường được sử dụng khá phổ biến để nói đến tác dụng của Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng thực sự đôi khi có thể khiến cho người nghe hiểu sai ý nghĩa xác thực của nó. Thế thì, cụm từ “Lời của Đức Chúa Trời” được hiểu là gì trong toàn bộ thư Hê-bơ-rơ và đặc biệt trong câu 12?
Có một số lời giải thích về ý nghĩa của cụm từ này như sau: (a) Kinh Cựu ước vì tác giả sách Hê-bơ-rơ trích nhiều kinh Cựu Ước (bản LXX) hơn các sách khác trong toàn bộ kinh Tân ước; (b) Kinh Thánh nói chung (bao gồm một số bản văn trong Tân Ước hiện hành lúc bấy giờ); (c) Lời của Đức Chúa Trời trong kinh Cựu ước được Chúa Jesus nhắc lại; (d) lời dạy của các sứ đồ về thân vị và công việc của Chúa Cứu Thế Jesus, thường được gọi là “Phúc Âm.” Do khám phá ra những điểm tương đồng giữa Hê-bơ-rơ 4:12 và Cô-lô-se 1:25-26, Gerhard Kittel cho rằng nội dung của cụm từ “Lời của Đức Chúa Trời” xuất hiện trong suốt toàn bộ kinh Tân ước là sự hỗn hợp giữa kinh Cựu ước và kinh Tân ước, trở thành “Lời hiệp nhất của Đức Chúa Trời” (unified Word of God). Vì thế, khó có thể xác định được ý nghĩa của cụm từ này trong thư Hê-bơ-rơ là kinh Cựu ước hay sứ điệp Cơ đốc của hội thánh thời kỳ ban đầu (the early Christian messasge).[1]
Trong toàn bộ kinh Tân Ước, cụm từ “Lời của Đức Chúa Trời” (o` lo,goj tou/ qeou/) được đề cập 11 lần.[2] Riêng trong thư Hê-bơ-rơ, cụm từ “Lời của Đức Chúa Trời” xuất hiện bốn lần (4:12; 6:5; 11:3; 13:7).[3] Tuy nhiên, muốn hiểu ý nghĩa chính xác trong tư tưởng của tác giả thư Hê-bơ-rơ, chúng ta cần phân tích một số chi tiết quan trọng được đề cập trong câu 12 của đoạn 4 nói riêng và toàn thư Hê-bơ-rơ nói chung.
I.        Ý nghĩa của danh từ “Lời” (lo,goj) trong thư Hê-bơ-rơ
Tác giả thư Hê-bơ-rơ sử dụng danh từ lo,goj tổng cộng 12 lần.[4] Việc sử dụng từ ngữ này được chia ra làm bốn nhóm ý nghĩa sau đây:  
1.      Sứ điệp của Phúc Âm được rao giảng hay dạy dỗ trong cộng đồng Cơ đốc thời kỳ đầu tiên (4:12; 5:13; 6:1; 13:7).
2.      Tiếng Đức Chúa Trời phán trong Cựu ước được nhắc lại trong Tân ước (2:2; 4:2; 12:19).
3.      Câu chuyện, lời ký thuật, hay lời báo cáo (4:13; 13:17).
4.      Lời nói, lời tuyên bố, hay lời thề (5:11; 7:28; 13:22).
Đặc biệt, trong Hê-bơ-rơ 4:12-13 đề cập hai lần danh từ lo,goj. Hai từ đó có mang cùng một ý nghĩa như nhau không? Dựa theo văn cảnh và cấu trúc văn phạm, chúng ta thấy hai từ có cùng ý nghĩa vì đều chỉ về sứ điệp Phúc Âm. Người nghe Phúc Âm của Chúa (4:12) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước mặt Chúa về điều mình nghe (4:13).
Với cách sử dụng từ ngữ khá bao quát, gồm nhiều lãnh vực khác nhau, chúng ta khó có thể xác định cách chắc chắn ý nghĩa của cụm từ “Lời của Đức Chúa Trời” trong 4:12 nếu không quay sang tìm hiểu những đặc điểm hay đặc tính của nó mà tác giả đã miêu tả cách rõ ràng và cụ thể.
II.     Đặc tính của “Lời của Đức Chúa Trời” (o` lo,goj tou/ qeou/) trong 4:12-13
Tác giả Hê-bơ-rơ đưa ra một số đặc tính của “Lời của Đức Chúa Trời” như sau: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.”
Dựa vào những đặc điểm trên, Martin Luther cho rằng Hê-bơ-rơ 4:12 là lời cảnh cáo cho những kẻ cứng lòng, xoay bỏ Phúc Âm của Chúa Jesus Christ. Kết quả là họ nhận lấy sự phán xét và đoán phạt của Đức Chúa Trời.[5] Trên một phương diện, lời nhận định của Martin Luther đáng cho chúng ta chú ý. Tuy nhiên, nếu nhìn vào văn cảnh của toàn bộ thư Hê-bơ-rơ, chúng ta thấy sứ điệp của sách không chỉ nhằm mục đích cảnh báo mang tính chất hủy diệt và đoán phạt nhưng còn mang tính chất chữa lành và khôi phục cho những tấm lòng chai cứng và lãnh đạm đối với tiếng phán của Đức Chúa Trời. Làm thế nào để Lời của Đức Chúa Trời có thể thực hiện được sứ vụ chữa lành và khôi phục cho tấm lòng băng hoại và chai cứng của con người do tội lỗi gây ra? Điều này tìm thấy trong các đặc tính của Lời của Đức Chúa Trời.
Các đặc tính của Lời của Đức Chúa Trời được sắp xếp theo thứ tự từ “cạn đến sâu” nhằm diễn tả sự hành động thẩm thấu của Lời của Chúa trong con người bề trong của người nghe. Để diễn tả những đặc tính này, trong câu 12 tác giả sử dụng hai động từ ở thể phân từ,[6] và một số tĩnh từ theo sau mỗi động từ phân từ: (a) “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi”; và (b) “thấu vào chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.”
1.      Lời sống (zw/n) – Nó có nghĩa là Lời của Đức Chúa Trời là Lời ban sự sống (life-giving Word), và qua Lời đó con người chết trong tội lỗi nhận được sự sống của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Jesus. Sự sống lưu xuất từ Đức Chúa Trời vì Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống (3:12; 9:14; 10:31; 12:19, 22), và sự sống đó đến với con người qua mối liên hệ với Chúa Jesus Christ (7:25; 10:20). Đây không phải là lời của văn tự nhưng là lời của Thần Linh, vì “chữ làm cho chết còn Thánh Linh làm cho sống” (2 Cô-rinh-tô 3:6b).[7] Lời này chính là Chúa Jesus Christ.[8]
Lời linh nghiệm (evnergh.j)[9] – Sự linh nghiệm của Lời của Đức Chúa Trời là đặc tính sự sống của Lời Ngài. Vì là sống nên linh nghiệm. Sự linh nghiệm minh chứng cho bản chất sự sống của Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời hằng sống nên Lời của Ngài linh nghiệm đời đời. Sự linh nghiệm là sự biểu lộ của bản tánh và công việc của Ngài. Lời đó chính là thân vị của Ngài.
Lời sắc hơn gươm hai lưỡi (ma,cairan di,stomon).[10] Tác giả Hê-bơ-rơ không nói Lời của Đức Chúa Trời là “gươm hai lưỡi” nhưng ông so sánh tính chất sắc bén của Lời của Đức Chúa Trời hơn bất cứ loại “gươm hai lưỡi” nào khác.[11] Tính chất sắc bén là một đặc tính khác của Lời sống. Con dao nằm trong tay của bác sĩ phẫu thuật dùng để chữa trị đã là sắc bén, thì Lời của Đức Chúa Trời còn sắc bén hơn nhiều vì đó là Lời sống.

2.      Vì linh nghiệm và sắc bén, Lời của Đức Chúa Trời có thể đâm vào và phân chia con người bề trong: “hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” Tác giả Hê-bơ-rơ sử dụng ba cặp từ ngữ để diễn tả con người bề trong: “hồn và linh,” “cốt và tủy,” và “tư tưởng và ý định” trong lòng. Trong thư Hê-bơ-rơ đề cập đến “tấm lòng” 11 lần.[12] Có hai loại tấm lòng được nói đến: (a) tấm lòng cứng cỏi, chai lì đối với tiếng phán của Chúa; và (b) tấm lòng được đổi mới, được cắt bì trở thành lòng chân thật, được rửa sạch bởi huyết Chiên Con, được ghi tạc bằng luật pháp của Chúa.[13]
Hê-bơ-rơ 3:7 chép: “Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài...” Tiếng Chúa ở đây chính là “Lời của Đức Chúa Trời” trong 4:12. Động từ “nghe” trong Công vụ 2:37 và Hê-bơ-rơ 3:7 là cùng một từ. Việc nghe Lời của Đức Chúa Trời tác động trong tấm lòng của họ: “Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng như kim châm” (Công vụ 2:37 BNC). Khi dùng động từ “[đâm] thấu vào,” tác giả Hê-bơ-rơ muốn nói đến Lời của Đức Chúa Trời cáo trách “như kim châm” và phân xử tận sâu thẳm bên trong, dẫn đến sự ăn năn. Lời của Chúa phơi bày con người bề trong bao gồm tâm trí và tấm lòng để dẫn đến sự biến đổi và làm nên mới.

3.      Lời của Đức Chúa Trời phơi bày mọi sự trần trụi ra trước mặt Chúa (c. 13). Câu “­­­­­­Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng” miêu tả hình ảnh một bịnh nhân trong phòng mổ của thời cổ Hi-lạp: bị căng bằng dây tời và nằm trần trụi trước mắt bác sĩ và dưới ngọn dao hai lưỡi sắc bén trong tay vị bác sĩ, sẵn sàng cho cuộc giải phẫu. Trong Hê-bơ-rơ 4:12-13 tác giả Hê-bơ-rơ dùng ngôn ngữ ẩn dụ rút ra từ lãnh vực y khoa của thế kỷ thứ nhất, miêu tả tiến trình giải phẫu với mục đích phơi bày những gì không lành mạnh, hầu chữa lành và làm cho bịnh nhân trở nên khỏe mạnh và trọn lành.
Tại sao tác giả Hê-bơ-rơ đề cập đến Lời của Đức Chúa Trời ở đây (4:12, 13)? Sau khi lấy hình ảnh của dân sự ngày xưa cứng lòng, từ khước tiếng phán của Chúa cho nên họ không được vào được sự yên nghỉ (3:7-4:10), tác giả mạnh dạn đưa ra lời kêu gọi “hãy gắng sức vào sự yên nghỉ” vì Lời của Đức Chúa Trời sẽ mang lại kết quả tốt lành cho những kẻ cứng lòng như thế nào. Chính Lời của Đức Chúa Trời là phương tiện duy nhất giải quyết sự cứng cỏi của tấm lòng con người và mang đến cho họ “sự cắt bì” trong lòng. “Cắt bì lòng” là ý tưởng quan trọng trong Kinh Thánh mô tả mối liên hệ giao ước trọn vẹn của dân sự với Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời sẽ cắt bì lòng và khiến cho họ yêu Chúa với tất cả tâm thần, linh hồn, và thân thể (Phục truyền 30:6). Ngôn ngữ của “sự cắt bì” trong lòng cũng được tìm thấy trong tiên tri Giê-rê-mi (4:4; 9:25-26) và được ứng dụng trong Hê-bơ-rơ (4:12-13). Trong Kinh Tân-ước, tư tưởng “cắt bì lòng” được xem là điều kiện biến Cơ đốc nhân trở thành “người Do-thái chân thật.” Vì thế, một số giáo phụ của Hội Thánh cũng đã viện dẫn sự hành động của Lời của Đức Chúa Trời trong Hê-bơ-rơ 4:12-13 như là cuộc giải phẫu thuộc linh gọi là “sự cắt bì trong lòng” (circumcision of the heart)[14]
Kết luận:
Nhân vật chính trong thư Hê-bơ-rơ mà tác giả muốn trình bày chính là Chúa Jesus. Ngài trổi hơn thiên sứ, con người, Môi-se, Giô-suê, và ngay cả thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn. Chúa Jesus là câu giải đáp cho sự thất bại do sự cứng lòng của dân sự Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Chỉ có Lời của Đức Chúa Trời mới có thể phơi bày cho họ thấy tình trạng thuộc linh của chính họ và “giải phẫu” tấm lòng của họ để họ được chữa lành tức được cứu. Vì thế cụm từ “Lời của Đức Chúa Trời” được tác giả thư Hê-bơ-rơ nói đến không gì khác hơn chính là Chúa Cứu Thế Jesus, Đấng được xưng là Ngôi Lời trở nên xác thịt (Giăng 1:14),[15] tiếng phán tối hậu của Đức Chúa Trời cho thế giới hư mất này (Hê-bơ-rơ 1:2). Chỉ trong một mình Chúa Jesus, con người tìm thấy được sự chữa lành và được ban cho tấm lòng mới. Ngài có thể thay thế “tấm lòng bằng đá” bằng “tấm lòng bằng thịt,” “lòng chưa được cắt bì” bằng “lòng được cắt bì.” Lời của Đức Chúa Trời không nhằm mục đích làm thỏa mãn tri thức nhưng mang đến sự thay đổi toàn bộ con người bề trong gọi là sự tái sanh. Như sứ đồ Phi-e-rơ nói “bởi Lời đó [lo,goj] mà anh em chị em được sanh lại” (1 Phi-e-rơ 1:23). Nhưng lời đó là lời được rao giảng [r`h/ma] bởi các sứ giả của Ngài (1 Phi-e-rơ 1:25). Đó chính là sứ điệp của Phúc Âm, lời của Đức Giê-hô-va trong Cựu ước được hoàn nghiệm trong Tân ước trong thân vị và công tác cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Jesus. Không có Lời rao giảng sứ điệp Phúc Âm của sứ giả thì sự thay đổi tấm lòng con người chẳng bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, sứ điệp về “sự cắt bì lòng” phải được rao giảng từ môi miệng và tấm lòng chịu cắt bì thật bởi Lời của Đức Chúa Trời. Sứ điệp quan trọng và cao quý thể nào thì sứ giả rao giảng sứ điệp càng phải cẩn trọng và theo đuổi sự thánh thiện trong nếp sống hằng ngày thể ấy. Chính vì thế, chức vụ công bố Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Jesus là một chức vụ không thể khoan nhượng và pha trộn bởi bất cứ thứ đạo lạc nào, bởi lối sống bất khiết, nhưng phải là chức vụ cao trọng, tinh tuyền, và thánh thiện nhất mà Đức Chúa Trời đã ký thác cho loài người sa ngã và ấn chứng họ bằng sự xức dầu của Thánh Linh Ngài. Bằng không, chức vụ đó chỉ thuần sáo ngữ, mang đến sự chết chóc tâm linh. Nguyền xin ân sủng và sự thương xót của Đức Chúa Trời Ba Ngôi bao phủ chúng ta là những con người được Ngài kêu gọi và ký thác cho thánh chức cao quý này.
Mục sư Trần Trọng Nha
Viện Thần Học Liên Hiệp
Garden Grove, CA


[1] Gerhard Kittel, “Le,gw, lo,goj, r`h/ma, lale,w,” in TDNT (10 volumes; ed. Gerhard Kittel; translated by Geoffrey Bromiley [Grand Rapids: Eerdmans, 1967]) IV:112-113.
[2] Lu-ca 8:11; Giăng 10:35; Công vụ 6:7; 17:13; Rô-ma 9:6; 1 Cô-rinh-tô 14:36; 2 Ti-mô-thê 2:9; Tít 2:5; Hê-bơ-rơ 4:12; 1 Giăng 2:14; Khải-huyền 19:13.
[3] Tác giả thư Hê-bơ-rơ sử dụng hai từ khác nhau để chỉ về “Lời của Đức Chúa Trời.” Trong 4:12 và 13:7, tác giả dùng cụm từ o` lo,goj tou/ qeou/ để nói đến nội dung Lời của Chúa (nhấn mạnh đến chính Lời của Chúa hơn là tác động hay hiệu năng do Lời của Chúa mang lại qua sự rao giảng). Trong 6:5 và 11:3, tác giả dùng cụm từ r`h/ma qeou/ để nói đến Lời của Chúa được công bố (nhấn mạnh đến sự tác động hay hiệu năng khi Lời Chúa được rao giảng). Như thế, chúng ta có hiểu lời r`h/ma [rhēma] là lời được rao giảng (verbal word) của lời lo,goj [logos] là Lời nhập thể (incarnated Word), bởi sứ giả của Đức Chúa Trời. Theo nghĩa hạn hẹp trong thư Hê-bơ-rơ, Lời nhập thể chính là Chúa Jesus, nội dung của Phúc Âm hay Tin Lành của Chúa Jesus Christ.
[4] Hê-bơ-rơ 2:2; 4:2, 12, 13; 5:11, 13; 6:1; 7:28; 12:19; 13:7, 17, 22.
[5] Martin Luther, “Lectures on Hebrews,” in Luther’s Works; translated by Walter A. Hanson; edited by Jaroslav Pelikan (St. Louis: Concordia Publishing House, 1968), 29:165.
[6] Hai động từ được dùng ở thể phân từ (participle): “sống” (zw/n) và “thấu vào” (dii?knou,menoj).
[7] Richard A. Lammert hiểu Lời của Đức Giê-hô-va (YHWH) trong Kinh Cựu Ước chính là thần hiển hiện (theophany); nghĩa là, trong những lần Lời của Chúa phán được ghi lại trong Kinh Cựu Ước, chúng không chỉ là tiếng phán đơn thuần của Ngài nhưng chính là Thân Vị của Đấng Christ. Nói cách khác, Lời của Đức Giê-hô-va không gì khác hơn chính là Chúa. (“The Word of YHWH as Theophany,” Concordia Theological Quarterly 73 [2009]: 195-210). Ý tưởng này minh họa và phù hợp với tư tưởng “Lời của Đức Chúa Trời” trong Hê-bơ-rơ 4:12.
[8] Trong Cô-lô-se 1:25-27, sứ đồ Phao-lô nói “Lời của Đức Chúa Trời” (o` lo,goj tou/ qeou/) chính là Đấng Christ, trọng tâm của sứ điệp ông rao giảng. Sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời giấu kín trải qua các đời, nay được bày tỏ: “Đấng Christ ở trong anh em.” Trong Khải huyền 19:13, sứ đồ Giăng dùng cụm từ “Lời của Đức Chúa Trời” trực tiếp chỉ về Đấng Christ (to. o;noma auvtou/ o` lo,goj tou/ qeou/).
[9] Từ này được sứ đồ Phao-lô dùng nói lên sự hiệu nghiệm của đức tin xảy ra bên trong lòng được biểu lộ ra trong hành động bên ngoài, khiến người khác có thể nhận biết được (Phi-lê-môn 6).
[10] Trong Kinh Thánh, có hai từ được dùng chỉ về gươm: (a) ma,caira là loại gươm, đúng ra là dao (short dagger/knife) dùng trong việc dâng của tế lễ (Sáng 22:6),  làm phép cắt bì (Giô-suê 5:2, 3; 24:31); và các thầy ra-bi Do-thái dùng để lột vỏ trái cây hay nấu ăn. Đây cũng là loại dao phẫu thuật của bác sĩ dùng để mổ xẻ chữa trị bịnh nhân. Trong Hê-bơ-rơ tác giả đề cập đến loại gươm này như là phương tiện của sự bách hại Cơ đốc nhân (11:34, 37); và (b) r`omfai,a là gươm (sword) của lính dùng trong chiến trận khi đánh giặc hay trong việc xử án.
Có hai loại “gươm hai lưỡi” khác nhau được đề cập trong Kinh Thánh. Trong Các Quan Xét 3:16 và Châm ngôn 5:4 dùng cụm từ “gươm hai lưỡi” (ma,cairan di,stomon) để chỉ về gươm của sự tàn diệt. Nhưng trong Thi-thiên 149:6; Sirach 21:3; Khải huyền 1:16; 2:12 dùng cụm từ “gươm hai lưỡi” (r`omfai,a di,stomoj) để nói đến gươm của sự báo thù và liên quan đến lời nói (miệng).
[11] Trong Ê-phê-sô 6:17, Phao-lô ví sánh “Lời của Đức Chúa Trời” như là “gươm của Thánh Linh” (ma,cairan tou/ pneu,matoj( o[ evstin r`h/ma qeou/). Tuy nhiên, ý tưởng trong Hê-bơ-rơ và Ê-phê-sô hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa lẫn hình thức. Trước hết, trong Hê-bơ-rơ dùng từ lo,goj để chỉ về “Lời của Đức Chúa Trời” trong hình thức thân vị; trong Ê-phê-sô dùng từ r`h/ma để chỉ về “Lời của Đức Chúa Trời” được công bố hay rao giảng. Kế đến, tác giả Hê-bơ-rơ ứng dụng Lời của Đức Chúa Trời cho Cơ đốc nhân; trong Ê-phê-sô Phao-lô nói đến việc sử dụng Lời của Đức Chúa Trời để đối phó với kẻ thù là ma quỷ và vua chúa của thế gian mờ tối tăm nầy.
[12] Hê-bơ-rơ 3:8, 10, 12, 15; 4:7, 12; 8:10; 10:16, 22 (2x); và 13:9.
[13] Trong thư Hê-bơ-rơ tác giả phân chia rõ rệt hai loại tấm lòng. Từ 4:12 trở về trước, tác giả nói đến tấm lòng chai lì, cứng cỏi, thách thức và thử nghiệm Đức Chúa Trời. Nhưng sau khi có Lời của Đức Chúa Trời xử lý con người bề trong (4:12), tấm lòng được thay đổi trở nên thật thà, nhu mì, thanh sạch. Như thế, chính Lời của Đức Chúa Trời đã biến tấm lòng bằng đá trở thành tấm lòng bằng thịt. Chúng ta cần lưu ý đó là lý do tại sao tác giả thư Hê-bơ-rơ hai lần trích dẫn Giê-rê-mi 31:31-34 (trong Hê-bơ-rơ 8:10-13; 10:16-17) nói đến việc Đức Chúa Trời thiết lập giao ước mới với dân sự của Ngài bằng cách ghi tạc Lời của Ngài trong lòng của họ.
[14] Justin Martyr so sánh giữa Chúa Jesus, Đấng ban sự yên nghỉ cho dân sự, và Giô-suê, người không thể ban cho dân sự của ngài sự yên nghỉ; và Chúa Jesus cắt bì tất cả những ai Ngài muốn với dao bằng đá (Dialogue with Trypho 24). Nhiều giáo phụ theo quan điểm của Justin, nhấn mạnh chức vụ “cắt bì lòng” của Chúa Jesus.
[15] Có thể hiểu theo phương diện nghĩa bóng, “gươm hai lưỡi” tiêu biểu cho hai bản tánh của Chúa Jesus Christ: thần tánh và nhân tánh.